Đến hẹn lại lên, gần như bất kì một sản phẩm âm nhạc nào do Denis Đặng đóng vai trò giám đốc sáng tạo, khán giả đều phải dành thời gian kha khá để tìm kiếm những thông điệp ẩn giấu phía sau. Những "Easter Egg" đầy bất ngờ, cũng như những biểu tượng mang tính văn hóa,... đã được cài cắm như thế nào. Đúng - sai hay gây tranh cãi đều có cả, đây là điều mà Denis Đặng hẳn đã quá quen. Trong MV "Chân Ái" lần này cũng vậy, khi Orange kết hợp với nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và rapper Khói cho phần âm nhạc, và Denis Đặng tiếp tục "nhúng tay" vào phần sáng tạo ý tưởng lẫn tạo hình cho MV thì một lần nữa, chúng ta lại có dịp ngồi "bóc tách".
CHÂN ÁI - ORANGE x KHÓI x CHÂU ĐĂNG KHOA
Tính đến hiện tại, sau gần 1 ngày ra mắt, MV cũng chỉ mới có xấp xỉ 800 nghìn lượt xem và gần 60 nghìn lượt thích. Tạm thời hạ cánh ở vị trí #18 trên top trending, khả năng vươn đến top 1 gần như rất khó, nhưng nếu nỗ lực có thể lọt vào được top 10.
Tạo hình: pha trộn nhiều nền văn hóa Á Đông khác nhau, mỗi nơi một ít
Ngay từ đầu khi thông tin về sản phẩm "Chân Ái" đến cho truyền thông, phía ekip cũng như giám đốc sáng tạo Denis Đặng đã nhấn mạnh: " Nếu mọi người để ý sẽ nhận ra sự “cố tình” của Denis khi kết hợp tạo hình của “Hoa Liên Yêu” Orange và Fung La mang đậm màu sắc của kinh kịch Trung Quốc và hát bội – cải lương Việt Nam, còn những chi tiết như Phượng Quan - mũ đội là của phụ nữ cổ đại Phương Đông, vũ công nữ thì mang khăn vấn áo yếm rất truyền thống Việt Nam hay cách vẽ mặt nạ, mũ lông của kép nam chính lại mang hơi hướng của Nhật Bản. Sản phẩm này như một “món quà” kết nối nhiều nền văn hóa khác nhau, tuy nhiên vẫn giữ được chất riêng của mà không bị hòa lẫn."
Đây dường như giống một lời "rào trước đón sau" để khán giả khi xem MV khỏi thắc mắc nhiều về việc vì sao tạo hình lại được pha trộn lẫn lộn, chẳng biết đây là văn hoá xứ nào. Có thể thấy đây là một nước "mở lời" khá thông minh của ekip truyền thông cho MV của Orange lần này. Và giờ hãy cùng xem, ekip đã ra tay trộn lẫn những chi tiết văn hoá truyền thống của những nước nào nhé.
Chiếc phượng quan mà nhân vật Orange sử dụng có thể thấy lấy cảm hứng trực tiếp từ chiếc phượng quan sử dụng trong nghệ thuật Kinh Kịch. Đều có các vòng đồng tâm ở dải rua rũ xuống hai bên, phía trên điểm tô các họa tiết cầu kì để giả điểm thúy (một loại trang sức làm từ lông chim bói cá có màu xanh, tạo tác vô cùng tinh xảo).
Tạo hình của nhân vật nam cũng có thể tìm thấy tương tự nguồn cảm hứng từ một vở Kinh Kịch lẫn Hát Bội ở Việt Nam với đầy đủ mũ mão và cờ tiết phía sau. Tuy nhiên, về mặt màu sắc, có thể thấy tạo hình này thiên về hướng Kinh Kịch nhiều hơn.
Lối vẽ mặt vằn vện với ba màu đỏ - trắng - đen ở trong tạo hình MV "Chân Ái" có thể thấy lấy cảm hứng từ cả lối vẽ mặt trong Hát Bội của Việt Nam lẫn Kịch Kabuki của Nhật Bản. Có một sự pha trộn văn hóa tương đối rõ ràng ở đây, nhưng lại khá hài hòa vì tất cả đều thuộc về văn hóa Á Đông truyền thống.
Chiếc mũ của rapper Khói (không có vòng đồng tâm thắt ở hai dải rũ xuống) có thể thấy lấy cảm hứng lớn từ mũ sử dụng trong Hát Bội ở Việt Nam. Tuy nhiên, rapper Khói lại mặc trang phục hoàn toàn hiện đại. Thật khó để gọi tên được bộ trang phục này là theo trường phái nào.
Lối tóc giả sử dụng trong "Chân Ái" thuộc về Kinh Kịch, gọi là "Lặc Đầu Thiết Phiến Tử". Được biết, trong Hát Bội ở Việt Nam cũng có sử dụng dạng thức tóc tương tự, nhưng không cầu kì và đính nhiều trang sức như nghệ thuật Kinh Kịch.
Chiếc bàn thờ và suy đoán về thân thế của Tuệ Mẫn
Chắc chắn, một trong những bí ẩn lớn nhất chính là thân thế của nhân vật Tuệ Mẫn. Cô xuất hiện một cách đầy bí ẩn và ma mị: bước ra từ một bàn thờ nằm ở một góc khuất trong hậu trường sân khấu, có sở thích với món trứng gà luộc, hành tung cực kì bí ẩn và chắc chắn không thể nào là người thường. Cô là ai? Trong vũ trụ "Tự Tâm", cô là thần hay ma, là chính hay tà?
Chiếc bàn thờ đầy bí ẩn nằm ở góc sân khấu.
Theo truyền thống của ngành Sân khấu Việt Nam, ở mỗi sân khấu đều đặt một góc trang trọng để bài trí bàn thờ Tổ Nghiệp. Trong giới nghệ sĩ, Tổ Nghiệp vô cùng linh thiêng, đi theo đó là hàng loạt kiêng kị và quy cách thờ cúng được các thế hệ tuân thủ vô cùng nghiêm ngặt, như một truyền thống tốt đẹp của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Có giả thiết cho rằng, Tuệ Mẫn thực ra là hiện thân của Tổ Nghiệp, muốn cứu giúp gánh hát đang trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, do Lý Lệ Thanh vì ghen tức đã phá nát bàn thờ, cả gánh hát sau đó lụn bại và phá sản.
Tuy nhiên, giả thiết này khó đứng vững, vì nhiều lí do.
Thứ nhất, cấu trúc bàn thờ trong "Chân Ái" khó có thể là bàn thờ Tổ Nghiệp được. Vì như chúng ta đã biết, giới nghệ sĩ vô cùng sùng kính Tổ Nghiệp, nên gian thờ của Tổ Nghiệp dù có đơn giản hay cầu kì, thì đều phải sạch sẽ, nghiêm trang, nằm ở một vị trí trang trọng để ai đi ngang cũng có thể tôn kính, thắp hương. Đằng này, bàn thờ trong "Chân Ái" có vòm được dựng nên từ đất, nằm ở một xó ít ai chăm sóc, nến vương vãi, tạo cảm giác âm u, ma mị hơn là sự ấm áp, trang nghiêm thường thấy dành cho Tổ Nghiệp. Tuy nhiên, đây là bàn thờ Tổ Nghiệp hay là bất kì bàn thờ nào đi chăng nữa thì hành động đập bàn thờ sau đó của Fung La vẫn là một hành động "báng bổ", dễ dàng gây tranh cãi và làm nhiều khán giả cảm thấy không đồng tình.
Tiếp đó, chúng ta đi xa hơn trong vấn đề đặt giả thiết xoay quanh nhân vật Tuệ Mẫn (Orange). Liệu có phải Tuệ Mẫn là hóa thân của một hồn ma đã chết trước đây trong nhà hát, được lập vội một cái miếu để thờ, nhưng cũng không mấy ai chăm sóc? Tuệ Mẫn thực ra là một dạng yêu tinh hoặc hồn ma trong truyền thuyết, vì lí do nào đó nên hiện hình với người sống?
Tuệ Mẫn rất thích ăn trứng gà luộc?
Trứng gà luộc đóng một vai trò quan trọng trong nghi thức tang lễ truyền thống của người Việt. Theo đó, khi người chết vừa qua đời, người thân phải luộc một quả trứng gà, bóc vỏ, đặt lên đỉnh một chén cơm xới đầy, cắm hai chiếc đũa tre đã được gọt phần đỉnh cho tưa ra. Và món Tuệ Mẫn ưa thích là trứng gà luộc, có thể thấy dụng ý của ekip khá rõ: Tuệ Mẫn thực ra là người chết?
Tuệ Mẫn luôn tránh đi qua những chiếc gương lớn.
Không dưới một lần, nhân vật Tuệ Mẫn luôn cố gắng lảng tránh khi đi qua những chiếc gương lớn nhằm để tránh cho người khác phát hiện: cô không hề có hình ảnh phản chiếu qua gương. Điều này càng chứng minh cho nhận định: Tuệ Mẫn thực ra là người đã chết, nên bóng của cô mới không phản chiếu qua gương. Điều này sau đó đã được phát hiện bởi Fung La và dẫn đến hành động đập nát bàn thờ để giết chết Tuệ Mẫn.
Hành động đập phá bàn thờ của một nghệ sĩ là đi quá xa đạo đức và lương tâm cho phép?
Lý Lệ Thanh có thực sự có gan lớn đến mức đập phá bàn thờ Tổ Nghiệp? Hay cô biết rõ đây chẳng phải là bàn thờ Tổ Nghiệp, mà là nơi trú ngụ của Tuệ Mẫn, là "vật chủ", nên mới có thể thẳng tay đập phá như vậy? Tất cả chỉ là giả thuyết mà ekip đã "bày ra" để khán giả tự phán đoán.
Vở kịch trên sân khấu thực chất chính là diễn lại toàn bộ vở kịch "Tự Tâm"?
Nếu để ý kĩ, có thể thấy Denis Đặng đã khéo léo cài cắm loạt các chi tiết dẫn thẳng đến "Tự Tâm", nhưng không phải bằng ngôn ngữ đời sống, mà bằng ngôn ngữ trên sân khấu. Việc lồng ghép MV trong MV này khiến khán giả không khỏi thích thú.
Cảnh Hoàng thượng và Bạch Liên chia xa.
Cảnh cuối cùng khép lại Tự Tâm.
Cần phải đặc biệt chú ý về nội dung vở kịch diễn ra trên sân khấu. Dù xuất hiện không liền mạch, nhưng tổng thời lượng các cảnh quay trên sân khấu này chiếm thời lượng đáng kể. Nội dung vở kịch này không hoàn toàn ngẫu nhiên, mà đã được cài cắm rất rõ ràng nhiều phân cảnh trong "Tự Tâm".
Tấm poster
Vở kịch đang được công diễn tại nhà hát có tên là "Hoa Liên Yêu", dịch nôm na có thể hiểu là "Yêu tinh hoa sen". Điều này có gợi cho bạn liên tưởng đến gì không? Trong MV "Tự Tâm", người tình của Hoàng thượng có tên là Bạch Liên - Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog dịch ra là "Hoa sen trắng" - chàng trai với nét đẹp hồ mị, mê hoặc một lần tái sinh trở về từ cõi chết.
Bên cạnh đó, hai câu thơ: "Tiếng khóc đoạn tiếng bi ai/ Người ra đi, kẻ ở lại" dường như mô tả chính xác câu chuyện tình giữa Hoàng thượng và Bạch Liên xuyên suốt 2 MV "Tự Tâm" và "Canh Ba". Xuyên suốt "Tự Tâm" là loạt những thù hận, âm mưu, dối trá và kết cục là nước mắt đau đớn, ứng với câu "Tiếng khóc đoạn tiếng bi ai". Còn với "Canh Ba", đó là câu chuyện về việc Hoàng thượng níu kéo cái xác không hồn và lạnh lẽo của Bạch Liên, trùng khớp với câu "Người ra đi, kẻ ở lại".
MV TỰ TÂM - NGUYỄN TRẦN TRUNG QUÂN
Đó là tất cả những giả thiết và suy đoán hiện tại xoay quanh MV "Chân Ái", có thể đúng, có thể sai, nhưng chúng ta đều phải thừa nhận: Orange đã thực sự có một sản phẩm âm nhạc đột phá về mặt hình ảnh, khác hoàn toàn với các sản phẩm trước đây của Orange. Nhưng về phía Denis Đặng thì sản phẩm lần này lại... chẳng có gì mới mẻ so với các MV trước đây của Nguyễn Trần Trung Quân, Chi Pu, Bảo Anh, Hoàng Yến Chibi... do anh làm giám đốc sáng tạo. Vẫn là hiện đại - truyền thống đan xen, các yếu tố tâm linh và cài cắm nhiều ẩn dụ gây tranh cãi, phần nào đó có thể xem như đã trở thành "thương hiệu" của anh chàng. MV "Chân Ái" thành công hay không vẫn còn quá sớm để nói, nhưng có thể ghi nhận sự nỗ lực làm nên cuộc "cách mạng" về mặt hình ảnh của Orange qua lần comeback này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét